Lâu nay người ta quá sùng bái IQ mà quên mất rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng trí tuệ, tài năng của trẻ em. Lý thuyết về “đa thông minh” của Giáo Sư Howard Gardner ( Đại học Harvard) đã đặt ra nhiều chiến thuật mới về cách giảng dạy và học tập, người học sinh nhờ đó gặp nhiều cơ hội khám phá ra các khía cạnh khác nhau của trí thông minh, được giúp đỡ để phát triển cả những năng khiếu còn tiềm ẩn.
Tại trường học, các nhà giáo dục thường dùng nhiều bài trắc nghiệm để đo lường và xác định “chỉ số thông minh” (IQ) của học sinh. Không dùng cách đo lường này, làm sao nhà trường có thể xếp các học sinh vào những loại lớp học khác nhau, chẳng hạn như lớp đặc biệt dành cho các em chậm hiểu, lớp thần đồng (gifted) là nơi các em thông minh được học hành theo độ khó cao hơn, làm sao một học sinh được cố vấn sau này nên theo đuổi nền đại học tổng quát hay nên vào một trường chuyên nghiệp.
Khám phá tiềm năng của trẻ
Người học sinh như vậy được phân loại do các bài trắc nghiệm tiêu chuẩn, rồi được chấm điểm bằng máy móc. Cách đo lường này, theo Giáo Sư Howard Gardner, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Đại Học Harvard, chỉ có một mục đích mà thôi, đó là tiên đoán sự thành công của em học sinh “tại trường học”. Theo Giáo Sư Howard Gardner và nhóm khảo cứu, các bài trắc nghiệm dùng cho các em học sinh lớp 6 có thể cho ra một hình ảnh về sự thành công của các em này trong vài năm về sau mà không nói lên được các ước vọng của các em học sinh đó trong tương lai. Các bài trắc nghiệm về trí thông minh chỉ giới hạn phạm vi đo lường vào các khả năng lý luận toán học và ngôn ngữ, mà hầu như đã bỏ quên những năng khiếu khác mà người học sinh có thể xuất sắc, chẳng hạn như sự khéo tay trong ngành thủ công, cách xuất sắc về vận động cơ thể trong thể thao, khả năng giao tiếp với các người khác, đầu óc sáng tạo trong âm nhạc và nghệ thuật... Các bài trắc nghiệm thường bỏ qua những yếu tố như sự cố gắng và thúc động (motivation) và đây là vài động lực quan trọng đưa người học sinh tới chỗ thành công ngoài xã hội.
Giáo Sư Howard Gardner cũng cho rằng nhà trường khi dùng các bài trắc nghiệm trí thông minh (IQ tests) đã bỏ quên hay không xét tới các tài năng và khuynh hướng thường không được xếp vào loại “giáo khoa” (academic), đã không khám phá và đo lường vài loại tài năng của người học sinh, chẳng hạn như tài thuyết phục, tài thương lượng (negotiating) trong khi các khả năng này cũng giúp ích nhiều cho xã hội.
Tìm hiểu bản chất của trí thông minh và làm sao đo lường được phạm vi trí tuệ này là một mục tiêu của nhiều nhà giáo dục. Ngày nay tại nhiều trường học, các nhà giáo dục đã thay thế các bài trắc nghiệm cũ (standardized tests) bằng các cách lượng định chính quy (authentic assessments) trong đó dùng tới cách xem xét các bộ sưu tập công trình thực sự (portfolios) để xác định thành quả và tiến bộ của người học sinh. Nhà trường đã nhận ra tầm xa của các loại thông minh (a full range of intelligences) rồi sau đó làm thay đổi các cách thực thi giáo dục nhờ đó người học sinh có thể phát huy toàn diện.
Giáo Sư Howard Gardner và nhóm cộng sự đã đặt ra lý thuyết về “đa thông minh” (the theory of multiple intelligences) theo đó một em học sinh bình thường (ngoại trừ trẻ em bị khuyết tật) đều thông minh tới một mức độ nào đó tại một hay nhiều miền sau đây: lý luận toán học, ngôn ngữ, âm nhạc, không gian, vận động thân thể, thiên nhiên, giao tế giữa cá nhân (interpersonal) và hiểu rõ nội tâm cá nhân (intrapersonal).
1) Lý luận Toán Học (Logical-mathematical): thuộc về loại này là các em ưa thích làm việc với các con số, đặt câu hỏi rồi giải đáp, dễ nhận ra các kiểu mẫu xếp theo trình tự (patterns), ưa phân tích và phân loại sự vật, đặt câu hỏi rồi giải đáp, có khả năng lý luận dài dòng và trong cách làm việc theo trừu tượng. Các học sinh giỏi toán và lý luận này, về sau trở nên các nhà toán học, các nhà khoa học... Vài nhân vật đại diện cho loại này là Albert Einstein, John Dewey, Suzanne Langer. . .
2) Ngôn ngữ - khẩu ngữ (Verbal-linguistic): người học sinh thuộc về loại này giỏi về đọc, viết, kể chuyện, nhớ rõ ngày tháng, ưa thích giải các bài ô chữ (puzzles), nhậy cảm với các ý nghĩa của các từ ngữ, biết rõ chức năng khác nhau của ngôn ngữ. Các học sinh này cần được luyện tập về nghe, nói, đọc chữ, thảo luận và viết ra các bài văn. Điển hình loại này Abraham Lincoln, T.S. Eliot, Virginia Woolf, Maya Angelou. . .
3) Không gian (Spatial): loại này gồm các học sinh giỏi vẽ, lập ra họa đồ, có đầu óc dự kiến (visualization), ưa thích mơ mộng và tạo ra các kiểu mẫu, có năng khiếu về không gian và về các biến đổi theo nhận thức đa chiều. Loại học sinh này nên được khuyến khích làm việc với các hình ảnh và màu sắc, dự kiến và dùng con mắt của tâm hồn (mind’s eye). Tương lai của họ là các nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà hàng hải (navigator). Các thí dụ của loại người này gồm Pablo Picasso, Frank Lloyd Wright, Georgia O’Keeffe, Bobby Fischer. . .
4) Âm Nhạc (Musical): về sau trở thành các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, loại học sinh này có khả năng nhận thức, ghi nhớ, lượng giá và sáng tạo nhịp điệu, âm thanh, tiết điệu, ưa thích đánh đàn, nghe nhạc và ca hát, biết thưởng thức cách diễn tấu... Đại diện cho lớp người này là Wolfgang A. Mozart, Leonard Bernstein, Ella Fitzerald. . .
5) Vận động thân thể (Bodily-kinesthetic): học sinh thuộc loại này sẽ trở nên các nhà thể thao, các vũ công (dancer), họ có khả năng diễn tả qua các động tác cơ thể, ưa nhẩy múa, đóng kịch, xử dụng các dụng cụ (using tools). Vài nhân vật thuộc lớp người này là Charlie Chaplin, Martina Navratilova, Magic Johnson. . .
6) Thiên nhiên (Naturalist): tương lai của lớp học sinh này là các nhà thiên nhiên học, sinh học, bảo trợ môi trường... Loại học sinh này hiểu biết và yêu mến thiên nhiên, biết phân biệt và nhận ra các chủng loại, ưa thích tìm hiểu về cây cỏ, sinh vật, các hiện tượng thiên nhiên... Các danh nhân thuộc loại này gồm Charles Darwin, Luther Burbank, John Muir. . .
7) Tương giao cá nhân (Interpersonal): khi thành công, loại học sinh này trở nên các bác sĩ chữa bệnh tâm lý (therapist), các người bán hàng (salesperson). . . Lớp học sinh này hiểu rõ về bản chất con người, có đầu óc tổ chức, truyền thông và giải quyết các bất đồng, họ cũng ưa thích nhiều bạn bè, tham gia vào các nhóm, cộng tác với nhiều người khác. Đại diện loại người này là Mohandas Gandhi, Mẹ Theresa, Cựu Tổng Thống Ronald Reagan. . .
8) Nội tâm cá nhân (Intrapersonal): học sinh thuộc loại này ưa thích suy tư, làm việc đơn độc, theo đuổi các công trình một cách thầm lặng, hiểu rõ chính mình, nhận ra các ưu khuyết điểm của các hành vi cá nhân và biết đặt ra các mục tiêu thích hợp với nguyện vọng và trí thông minh của từng người. Vài thí dụ về lớp người này là Sigmund Freud, Thomas Merton, bà Eleanor Roosevelt. . .
Lý thuyết về “đa thông minh” của Giáo Sư Howard Gardner đã đặt ra nhiều chiến thuật mới về cách giảng dạy và học tập, người học sinh nhờ đó gặp nhiều cơ hội khám phá ra các tầm cỡ khác nhau về thông minh, được giúp đỡ để phát triển cả những năng khiếu còn tiềm ẩn. Theo Giáo Sư Howard Gardner, trường học nên giúp đỡ học sinh tham gia học hỏi, phát triển nhiều loại thông minh, cộng tác vào nhiều loại sinh hoạt học đường và xã hội, khiến cho học sinh có khả năng nhiều mặt để sau này phục vụ xã hội theo nhiều chiều hướng xây dựng.
(Theo treem.net)